Sử dụng cây nhà lá vườn trị mụn nhọt là phương pháp phổ biến thường thấy ở Việt Nam bởi sự tiện lợi, dễ kiếm, dễ tìm của nó. Tuy nhiên sử dụng loại nào, cách thực hiện ra sao cho an toàn thì không phải ai cũng biết. Hãy cùng theo dõi bài viết này để tìm ra câu trả lời nhé!
Mụn nhọt thường dễ xuất hiện vào thời điểm nắng nóng
Nguyên nhân khiến mụn nhọt dễ xuất hiện vào mùa hè
Mùa hè, khi nhiệt độ tăng cao, làm cho khí hậu trở nên oi bức, cơ thể phải tiết ra nhiều mồ hôi để tỏa bớt nhiệt độ giúp cho thân nhiệt luôn giữ được trạng thái bình thường.
Cũng bởi thế mà mồ hôi bài tiết nhiều hơn ở bề mặt ngoài da, kéo theo những cặn bã trong cơ thể đào thải ra ngoài.
Từ đó làm cho da bẩn bị ướt, dễ kết dính bụi bẩn và vi khuẩn trong không khí khiến da trở thành môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển gây ra ngứa ngáy, mụn nhọt…
Các biện pháp chữa trị mụn nhọt từ cây nhà lá vườn
Trong bài này chúng tôi xin giới thiệu về cách chữa trị mụn nhọt mùa hè bằng những cây lá quanh ta vừa tiện lợi, dễ kiếm, dễ tìm.
- Hút mụn nhọt đã vỡ bằng khoai lang:
Lấy lá khoai lang non 50g, đậu xanh 12g, thêm chút muối giã nhuyễn bọc vào vải sạch đắp vào nơi mụn nhọt. Ngày thay 1 lần.
- Chữa mụn nhọt bằng cây mua bà:
Lấy lá non, giã hơ nóng đắp vào chỗ có nhọt. Ngày thay 1 lần.
Cuống bí ngô có công dụng tuyệt vời trong chữa trị mụn nhọt
- Chữa mụn nhọt bằng bí ngô:
Lấy cuống bí ngô đốt thành than, rồi đắp vào nơi có nhọt. Ngày thay 1 lần. Hoặc lấy cuống bí ngô đốt thành than, nghiền nát trộn với dầu mè hay dầu sở rồi đắp vào. Ngày thay 1 lần.
- Chữa mụn nhọt bằng lá sen:
Dùng ngoài lấy cuống lá sen sắc lấy nước đặc rửa nơi mụn nhọt. Mặt khác lấy lá sen rửa sạch giã nát cùng với cơm nếp rồi đắp vào nơi có nhọt. Ngày thay 1 lần.
- Chữa mụn nhọt bằng rau mồng tơi:
Lấy rau mồng tơi tươi, giã nát đắp vào nơi mụn nhọt, ngày thay 2-3 lần.
Theo Thực liệu kỳ phương thì cần chờ đúng giờ thìn (tức đúng 8 giờ sáng) hãy hái một nắm ngọn rau mồng tơi không non quá cũng không già (rau bánh tẻ) vào lúc đang có ánh nắng mặt trời chiếu rọi vào vườn rau, sau đó mang vào không rửa (nếu có bụi bẩn lấy khăn sạch lau) và cho vào cối giã nhuyễn cùng chút muối ăn đem đắp vào nơi mụn nhọt, rất hiệu nghiệm.
Hoa nhài.
- Chữa mụn nhọt bằng hoa nhài:
Hoa nhài 10g, bồ công anh 20g, kim ngân hoa 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2-3 lần.
- Chữa mụn nhọt bằng cây chua me đất:
Lấy lá giã nhỏ hơ nóng đắp vào chỗ mụn nhọt. Ngày thay thuốc 1 lần.
- Chữa mụn nhọt, đinh độc, vết thương bằng lá ớt:
Lấy lá ớt, lá na, lá bồ công anh, lá tử vi, lá táo, mỗi thứ từ 10-20g, đem rửa sạch, giã nát cùng ít muối ăn rồi đắp vào vết thương hay mụn nhọt, đầu đinh.
Hoặc lấy lá ớt, cành xương rồng bà có gai, lá mồng tơi mỗi thứ 5-10g, giã nát đắp vào nơi mụn nhọt. Ngày thay thuốc 1 lần.
- Chữa mụn nhọt bằng lá lô hội (cây lưỡi hổ):
Lấy lá lô hội tươi giã nát đắp vào chỗ mụn nhọt. Ngày thay thuốc 1 lần.
Cây lô hội.
- Chữa mụn nhọt bằng cao nghệ tự chế:
Lấy củ nghệ 60g, củ ráy 80g, dầu vừng 80g, nhựa thông 40g, sáp ong 40g. Củ ráy gọt bỏ vỏ cho vào cùng nghệ giã nhuyễn, sau nấu nhừ với nhựa thông, dầu vừng và sáp ong là thành. Lấy phết lên giấy thành miếng cao dán lên nơi có mụn nhọt. Ngày thay thuốc 1 lần.
- Chữa mụn nhọt sưng đỏ bằng rau diếp cá:
Lấy rau diếp cá giã nát rịt vào nơi mụn nhọt vào lúc đi ngủ, sáng dậy thấy đỡ đau, rất mau khỏi.
- Chữa mụn nhọt lở loét bằng vừng đen (mè đen):
Lấy mè đen rang lên, tán nhỏ. Rửa sạch mủ trên mụn, sau lấy bột mè đen đã tán đắp lên, chỉ vài lần sẽ khỏi.
Cây sống đời
- Chữa mụn nhọt sưng tấy bằng rau hồng trai và cây sống đời:
Lấy rau hồng trai và lá cây sống đời mỗi thứ 25-30g, rửa sạch để ráo nước, giã nát tẩm chút nước rồi vắt nước cốt uống, còn bã đắp lên mụn nhọt. Ngày 1 lần, vài lần là khỏi.
- Chữa mụn nhọt bằng lá táo chua:
Lấy một nắm con lá táo rửa sạch giã nát cùng ít muối ăn đem đắp vào nơi mụn nhọt đang sưng tấy.
Như vậy, những loại cây phổ biến hằng ngày cũng có thể trở thành loại thuốc chữa trị mụn nhọt hiệu quả. Tuy vậy, bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo. Trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp chữa trị nào, bạn nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc, hoặc bác sỹ chuyên khoa để tránh khỏi những trường hợp không đáng có.